Chờ những dự án lớn về hạ tầng giao thông

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhiều lần nhấn mạnh, các dự án hạ tầng giao thông được thực hiện nhanh và sớm kết nối sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh và vùng. Vì thế, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn, nhân lực để triển khai các dự án giao thông quan trọng.

Nhiều người dân, doanh nghiệp mong đợi xây dựng cầu Cát Lái để giao thương với TP.HCM thuận lợi. Trong ảnh: Mô hình cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch
Nhiều người dân, doanh nghiệp mong đợi xây dựng cầu Cát Lái để giao thương với TP.HCM thuận lợi. Trong ảnh: Mô hình cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch
Trong các quyết định phê duyệt về kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của UBND tỉnh thì Đồng Nai sẽ triển khai 253 dự án về giao thông với tổng diện tích 8.365 ha. Những địa phương cần diện tích đất nhiều để triển khai dự án là các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Trảng Bom, Cẩm Mỹ.

 

* Rút ngắn thời gian triển khai các dự án

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được quy hoạch nhiều dự án đường cao tốc. Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành đưa vào khai thác 2 tuyến đường cao tốc là TP.HCM - Trung Lương dài 40km, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 51km. Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai và dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành.

Đồng Nai là đầu mối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Tây nguyên, vì thế, muốn tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế của vùng, tỉnh thì các dự án giao thông cấp vùng, quốc gia phải thực hiện nhanh. Tỉnh Đồng Nai và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào các dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhóm các đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3, đường vành đai 4... sớm hoàn thành đưa vào khai thác. Như vậy, việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp sẽ nhanh hơn, giảm được nhiều chi phí.

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị cho biết: “Huyện và một số doanh nghiệp rất trông đợi dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được triển khai sớm, như vậy sẽ tạo ra cú hích cho các dự án kinh tế khác ở địa phương tăng tốc, sớm đưa vào hoạt động, đặc biệt là các dự án về du lịch. Bởi đường cao tốc trên hoàn thành, từ TP.HCM đến Tân Phú chỉ hết khoảng 1 giờ”.

Cũng theo ông Nghị, du lịch khởi sắc sẽ kéo theo thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển. Bên cạnh đó, giao thông thuận lợi doanh nghiệp về Tân Phú đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp cũng nhiều hơn.

Các huyện khác cùng các TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa cũng mong đợi các dự án giao thông rút ngắn tiến độ, sớm kết nối đồng bộ sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

* Cần vốn và đất sạch

Để các dự án hạ tầng giao thông cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh lẫn cấp địa phương được thực hiện theo đúng lộ trình được thì cần có vốn, đất sạch để chủ đầu tư thi công.

Tuy nhiên, thực tế tại Đồng Nai, nhiều dự án về giao thông đang gặp khó khăn trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và thu hồi đất. Đơn cử, có những dự án hạ tầng giao thông quan trọng chậm khởi công hoặc thi công kéo dài là do không thu hồi được đất như: đường ven sông Cái, hương lộ 2, đường vào Cảng Phước An...

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc, các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố khi thực hiện đều phải tiến hành thu hồi đất của nhiều hộ dân. Trước khi thu hồi đất của các hộ trên thì thành phố phải chuẩn bị sẵn sàng các khu tái định cư, thế nhưng sự luẩn quẩn lại nằm ở chỗ muốn làm các khu tái định cư thì phải thu hồi đất vì thành phố
không có sẵn nguồn đất sạch. Do đó, dù thành phố rất muốn khởi công nhanh các dự án, nhưng thực tế lại không dễ dàng do có quá nhiều công đoạn về đất đai cần giải quyết, trong khi giá đất biến động mạnh trong những năm qua khiến “khó chồng thêm khó”.

Hiện nay, trục phát triển kinh tế quanh dự án sân bay Long Thành là các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom cũng đang “tăng tốc” trong bồi thường giải phóng mặt bằng để các dự án giao thông được khởi công và kết nối để có thể hoàn thành lộ trình đưa Long Thành, Trảng Bom trở thành thị xã và Nhơn Trạch lên thành phố.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Tỉnh sẽ khai thác các khu đất có lợi thế đưa vào đấu giá để có thêm vốn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Mục tiêu tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh và tăng thu cho ngân sách nhà nước”.